Từ xưa, người Nhật đã nổi tiếng khắp thế giới với đức tính cần cù, sáng tạo, thật thà và kỷ luật, vậy bí quyết giáo dục nào đã xây dựng nên một thế hệ người Nhật đáng ngưỡng mộ như vậy? Dạy con kiểu Nhật giờ đã trở thành phương pháp được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
1. Nuôi dưỡng năng lực quan sát thế giới tự nhiên
Giai đoạn trẻ từ 0 đến 3 tuổi là giai đoạn mà trí não của bé có khả năng hấp thu nhiều nhất (đến 2 tuổi bộ não của bé đã nặng bằng 80% trọng lượng não người lớn).
Năng lực cơ bản giúp bé học tập sau này đều hình thành từ chính những trải nghiệm mà bé được trải qua trong giai đoạn này. Một trong những năng lực mà những đứa trẻ đều vô cùng nhạy bén là “năng lực quan sát” thế giới tự nhiên xung quanh mình. Hầu hết các trường mẫu giáo hay nhà trẻ Nhật đều cho các bé đi dạo công viên vào mỗi sáng để các bé được tự do sưởi nắng, được tự mình khám phá thiên nhiên. Theo người Nhật Bản, trẻ em trong độ tuổi này cần phải được:
• Hòa mình vào thiên nhiên, học cách quan sát những sự vật xung quanh.
• Trải nghiệm hạnh phúc khi bé có thể tự bản thân suy nghĩ và làm đến cùng những gì bé muốn.
• Được nuôi dưỡng năng lực cảm thụ khi được người lớn nói cho nghe những tính từ chỉ cảm xúc, để bày tỏ sự ngạc nhiên hay cảm thán trước một cảnh đẹp…
• Trải nghiệm những bí ẩn của thiên nhiên và sự vật để kích thích trí tò mò : như vì sao chạm tay vào áo len thì bị giật, thổi hơi vào kính thì kính mờ… thời kỳ ấu thơ cũng là thời kỳ nuôi dưỡng cảm thụ khoa học.
2. Vai trò của mẹ cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của bé
• Nuôi bé bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu sẽ giúp bé giảm nguy cơ mắc chứng tự kỷ.
• Bế bé ở đằng trước để tạo sự gần gũi và gắn kết.
• Nghiêm khắc và rèn luyện cho bé tính kỷ luật ngay từ khi còn nhỏ.
• Để bé bắt chước những việc làm mẹ và những lời mẹ nói: hãy dùng từ lặp lại nhiều lần khi nói chuyện với bé, hãy nói những từ hay câu ngắn để bé dễ bắt chước.
• Khi bé được khoảng 2 tuổi, bắt đầu cho bé chơi với các bạn để giúp bé nuôi dưỡng tính xã hội, học cách điều khiển cảm xúc của bản thân và cách tồn tại trong tập thể.
• Tạo thói quen sinh hoạt có quy tắc cho bé như ngủ sớm, dậy sớm, ăn đúng giấc.
• Luôn nhớ rằng con cái không phải “vật sở hữu” của bố mẹ, hãy để bé phát triển tự nhiên, bố mẹ hướng dẫn nhưng đừng áp đặt.
• Tạo cho bé một môi trường sống phong phú giúp bé có nhiều khả năng lựa chọn để phát hiện ra mình yêu thích và sẽ theo đuổi điều gì ngay từ khi còn nhỏ.
3. Truyền cảm hứng, kích thích trí tò mò và khơi gợi niềm yêu thích của bé
• Cách hiệu quả nhất khiến bé làm một điều gì đó là kích thích sự quan tâm của bé. Ép buộc bé học bài sẽ khiến bé cảm thấy ghét học, thay vào đó bố mẹ có thể kích thích lòng hiếu kỳ và sự thích thú của bé đối với việc học tập. Khi đó bé sẽ xem học tập là một niềm vui và chủ động học.
• Bé còn nhỏ và không phân biệt được thế nào là tốt xấu. Điều tốt đơn giản là những thứ khiến bé thấy thú vị, là khi bé được yêu thương khen ngợi. Ngược lại, điều xấu là thứ khiến bé bị la mắng, bị trừng phạt. Trẻ nhỏ không hiểu được lý do chúng bị la mắng và việc la mắng chỉ mang lại cảm xúc tiêu cực cho các bé. Ba mẹ lúc này phải giúp trẻ phân biệt đâu là điều nên làm và không nên làm, việc khen ngợi và kỷ luật đúng cách, đúng lúc sẽ hình thành tính cách và nhận thức của bé.
• Trí tò mò kích thích sự phát triển não bộ cho bé. Nếu mẹ kể một câu chuyện cho bé nhiều lần, bé sẽ muốn tự mình kể lại câu chuyện đó, trí tưởng tượng và sự sáng tạo của bé sẽ phát triển khi bé suy nghĩ để thực hiện. Bố mẹ phải tránh áp đặt những ý tưởng của bản thân cho bé, cứ để bé thỏa sức sáng tạo.
• Phát triển trực giác cho bé nên là ưu tiên hàng đầu của bố mẹ.Trực giác là một khả năng rất quan trọng, mặc dù khoa học không thể giải thích được. Bé sẽ hành động và cảm nhận mọi thứ theo bản năng, bố mẹ đừng nên ép buộc, để sáu giác quan của bé được phát triển toàn diện nhất.
4. Nuôi dưỡng tâm trạng cho bé từ giai đoạn trứng nước
• Chơi nhạc cụ giúp phát triển khả năng tập trung. Những bé tham dự các lớp học về âm nhạc có khả năng tập trung và tính kỷ luật tốt hơn. Bố mẹ có thể khơi dậy sự hứng thú của bé, khiến bé thấy vui thích khi tham gia các lớp học về âm nhạc. Sự phát triển từ nhỏ sẽ giúp hình thành các phẩm chất lãnh đạo cho bé và khả năng tập trung cao cho bé trong tương lai. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng những phẩm chất và kỹ năng này có thể được phát triển trong giai đoạn sau khi bé lớn lên, tuy nhiên điều đó không đúng, việc phát triển khả năng tập trung và phẩm chất lãnh đạo từ giai đoạn đầu sẽ có hiệu quả tốt hơn rất nhiều.
• Bố mẹ có thể giúp đào tạo trí nhớ cho bé. Não bộ của trẻ dưới 3 tuổi có thể ghi nhớ tới 200 bài thơ ngắn, nếu bé không sử dụng khả năng ghi nhớ của mình, những tiềm năng của bé sẽ không được khai phá. Bé sẽ cảm thấy hứng thú học tập hơn nếu bố mẹ cùng học và ghi nhớ bài vở theo một cách thú vị.
• Bé cần được tiếp xúc với những gì đẹp nhất vào lúc lọt lòng. Mẹ hãy cho bé nghe những bản nhạc hay, những tranh ảnh đẹp. Bằng cách nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật và thẩm mỹ cho bé, mẹ có thể giúp bé có khả năng nhận biết thế giới xung quanh tốt hơn.
5. Sáng tạo và kỹ năng
• Khái quát hóa là một năng lực đặc thù của tư duy con người, có vai trò quan trọng trong việc phát triển trí tuệ của mỗi người. Đó là hình thức phản ánh những dấu hiệu và phẩm chất chung của các sự vật, hiện tượng. Khả năng khái quát hóa được hình thành và phát triển từ lứa tuổi 3-4 tuổi thông qua họat động của bản thân, trong đó vui chơi là họat động chủ đạo đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, mẹ cần lựa chọn các trò chơi phát triển tư duy cho bé, đặc biệt khả năng khái quát hóa (khả năng nhận ra dấu hiệu chung của một nhóm, loại) và khả năng ngôn ngữ.
• Mẹ hãy thử tặng bé một cây bút chì, vì bé tám tháng tuổi đã có thể cầm bút, nhưng ngay cả khi mẹ đặt một tờ giấy bên cạnh thì bé thường sẽ không vẽ lên tờ giấy, rất có khả năng bé sẽ xé tờ thấy thành từng mảnh, rồi lại hào hứng vẽ lên sàn nhà, tường, bàn hay bất cứ đâu bé muốn - đây là một cách thể hiện bản thân của bé. Mẹ hãy sắp xếp và tạo điều kiện để bé có thể vẽ tại nơi bé muốn như lót giấy trên sàn nhà, bàn học… Bằng cách này, mẹ đã giúp kích thích phát triển sức sáng tạo cho bé.
• Giấy vẽ in sẵn những hình mẫu nhiều bậc phụ huynh hay mua về vô tình lấy đi sự sáng tạo của bé. Cách nhìn của bé khác với người lớn, để phát triển sự sáng tạo cho bé, mẹ hãy đưa bé một tờ giấy trắng lớn với đủ các loại bút màu để bé vẽ những điều bé muốn.
• Nếu muốn bé sáng tạo, ba mẹ không nên mua nhiều đồ chơi cho bé, quá nhiều đồ chơi sẽ phân tán sự chú ý của bé. Tốt nhất, mẹ hãy mua cho bé một vài đồ chơi thôi, và bé sẽ phải vận dụng sức sáng tạo để phát minh ra những trò chơi mới với một vài đồ chơi đã có. Bố mẹ hãy chọn mua các đồ chơi bé có thể tự sắp xếp để kích thích cảm hứng sáng tạo của bé.
• Những đò chơi lắp ghép và gấp hình giấy (origami) giúp kích thích sự phát triển của trẻ. Nếu mẹ để bé tám tháng tuổi chơi với đất nặn, bé sẽ không thể tạo hình được, tuy nhiên bé có thể nhận thấy đất nặn có thể thay đổi hình dạng, tờ giấy có thể bị xé và vo tròn. Những bé tiếp xúc với nhiều hình dạng và vật liệu khác nhau từ nhỏ thường phát triển não và sự sáng tạo tốt hơn những bé khác.
• Các bé luôn muốn được là tâm điểm của sự chú ý quan tâm, mẹ hãy để bé chơi trò diễn tập các vai khác nhau. Việc đổi vai diễn kịch giúp kích thích khả năng sáng tạo của bé, việc tham dự lớp học kịch sẽ phát triển thêm khả năng nói trước công chúng của bé.
• Mẹ hãy để bé tự đi. Việc đi bộ cũng kích thích hoạt động của não, cải thiện hình dáng cơ thể và trạng thái cảm xúc.
• Bố mẹ hay nghĩ khả năng của con trẻ phụ thuộc vào yếu tố di truyền. Ví dụ, nếu ba mẹ là những vận động viên, họ tin rằng đứa trẻ của họ cũng sẽ là một vận động viên, nhưng bé sẽ không thể đạt được điều đó nếu bố mẹ không khơi lên sự hứng thú của bé đối với thể thao. Các bé có thể đạt được thành tích tốt hơn nếu bé chơi thể thao từ nhỏ, không phụ thuộc vào sự di truyền.
• Đối với các bé, quá trình thực hiện một công việc gì đó mới là điều quan trọng nhất, chứ không phải kết quả cuối cùng. Mẹ nên để bé phụ giúp một vài việc vặt trong nhà, bé sẽ có thể học cách tập trung vào quá trình làm “nhiệm vụ” và học thêm được những điều mới.
6. Những điều ba mẹ nên tránh
• Sự phát triển từ những bước đầu tiên không nhắm vào việc chuẩn bị cho bé đến trường mẫu giáo. Hệ thống giáo dục hiện đại chỉ hướng vào điểm số và các kỳ thi, chứ không tập trung vào phát triển kiến thức cho bé. Sự phát triển tốt trí não từ sớm sẽ giúp bé tự tư duy tốt và tránh được những khó khăn tại trường học.
• Bố mẹ là “giáo viên” day bé nhiều điều hơn hết. Sự phát triển của bé từ những năm tháng đầu đời phụ thuộc vào sự quan tâm và kiên trì tận tâm của bố mẹ.
• Con cái không phải tài sản của bố mẹ. Bố mẹ thường có ý nghĩ rằng: “Tôi muốn con gái tôi trở thành một nhạc sĩ” hay “Tôi muốn con trai tôi trở thành một kỹ sư”. Nhưng đó là giấc mơ của ba mẹ, hãy để bé lựa chọn điều bé muốn làm. Bố mẹ chỉ nên giúp bé nỗ lực đạt được thành công trong tương lai.
Một điều cần thiết nữa mà ba mẹ cần dạy cho các bé là học cách tin tưởng vào người khác, đức tính đó giúp bé có cái nhìn lạc quan và hướng thiện.